Cháy rừng thông nguyên sinh có tuổi đời khoảng 70 năm ở Đà Lạt

Khoảng 15 giờ ngày 7/4, cháy rừng đã bùng phát tại tiểu khu 267A trên đèo Prenn, ngọn lửa lan rộng, trải dài trên ngọn núi thuộc rừng phòng hộ. Việc dập lửa đang gặp khó khăn do địa hình dốc.

Khoảng 15 giờ ngày 7/4, cháy rừng đã bùng phát tại tiểu khu 267A trên đèo Prenn, ngọn lửa lan rộng, trải dài trên ngọn núi thuộc rừng phòng hộ. Việc dập lửa đang gặp khó khăn do địa hình dốc.

Đến 21 giờ ngày 7/4, hàng chục cán bộ, chiến sỹ, nhân viên thuộc các lực lượng trên địa bàn thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn đang nỗ lực tham gia chữa đám cháy rừng trên đèo Prenn.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 15 giờ ngày 7/4, cháy rừng đã bùng phát tại tiểu khu 267A, trên đèo Prenn thuộc địa bàn phường 3, thành phố Đà Lạt. Ngọn lửa lan rộng, trải dài trên ngọn núi thuộc rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng Lâm Viên phụ trách.

Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô nhiều ngày, ngọn lửa gặp lớp thực bì đã nhanh chóng bốc cháy dữ dội và lan rộng trên diện tích nhiều hécta.

Vị trí xảy ra hỏa hoạn là rừng thông nguyên sinh có tuổi đời khoảng 70 năm, thuộc đối tượng rừng phòng hộ.

Hiện tại, hàng chục người thuộc các lực lượng vẫn đang nỗ lực tìm cách dập lửa nhưng gặp rất nhiều khó khăn do địa hình dốc, xe chở nước rất khó tiếp cận hiện trường.

Lực lượng chức năng chủ yếu dùng cành cây dập lửa, cố gắng không để cháy lan ra những vị trí xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 3, cho biết ngay sau khi phát hiện đám cháy, Ủy ban Nhân dân phường, các đơn vị chức năng thành phố Đà Lạt cùng Ban Quản lý rừng Lâm Viên đã huy động lực lượng khoảng 60 người tham gia dập lửa ở khu vực trên. Cho đến thời điểm này, đám cháy đã được khống chế một phần, nhận định có khả năng sẽ dập tắt hoàn toàn trong đêm nay.

Từ nhiều năm nay, tỉnh Lâm Đồng cho phép các đơn vị chủ rừng tổ chức đốt thực bì trong các cánh rừng có kiểm soát, nhằm triệt tiêu những vật liệu dễ cháy, chủ yếu do cành, lá cây rụng xuống phủ lên mặt đất.

Phương pháp này khá hiệu quả trong công tác phòng chống cháy rừng, nhưng cũng để lại những hệ lụy tiêu cực như hủy hoại thảm thực vật dưới tán rừng, không còn lớp cây con mọc lên thay thế, mất đi sự đa dạng sinh học của rừng nhất là các cánh rừng thông… khiến cho rừng trở nên khô cằn, đơn điệu, giảm độ trữ nước trong mùa mưa gây nguy cơ sạt lở cao… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường rừng. Thậm chí, một số vụ đốt thực bì thiếu kiểm soát đã gây ra cháy rừng thực sự ở nhiều địa phương.

Ngày 16/1, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 465/UBND-LN chỉ đạo dừng việc đốt thực bì truyền thống như vẫn làm từ nhiều năm qua.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đánh giá trong thời gian qua, một số đơn vị chủ rừng đã tiến hành xử lý vật liệu cháy bằng biện pháp phát dọn, đốt thực bì nhằm hạn chế cháy rừng và thiệt hại tài nguyên rừng do cháy rừng trong mùa khô. Tuy nhiên, các đơn vị này đã không thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật theo quy định đã ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, cảnh quan và môi trường chung trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn trong mùa khô 2022- 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị, địa phương ngừng ngay việc xử lý thực bì; yêu cầu các huyện và hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc thông báo chủ trương này đến các đơn vị chủ rừng để tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, việc dừng đốt thực bì dù đang mang lại nhiều hiệu quả về bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường nhưng cũng để lại những nguy cơ tiềm ẩn, nhất là khi nhiều du khách tới thành phố Đà Lạt và tổ chức các hoạt động cắm trại dã ngoại, đốt lửa đun nấu trong những cánh rừng thông trong khu vực thành phố./.

https://www.vietnamplus.vn/chay-rung-thong-nguyen-sinh-co-tuoi-doi-khoang-70-nam-o-da-lat/856008.vnp