Nón lá Huế, một sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch

Nhắc đến Huế, người ta nghĩ ngay đến nón lá, một sản phẩm văn hóa đặc sắc của vùng đất cố đô. Ở Huế có nhiều làng nghề làm nón nổi tiếng như Vân Thế, Phủ Cam, Kim Long...

Nón lá Huế lại có những nét đặc trưng riêng về màu sắc, kiểu dáng, kích thước, trọng lượng và độ bền. Chiếc nón lá ở Huế thường mỏng, nhẹ, mềm mại và cân đối... Chính những đặc điểm này đã tạo nên sự khác biệt của nón lá Huế so với những địa phương khác.

Ngoài ra, nón lá Huế được nhiều người biết đến một phần cũng nhờ nghề làm nón lá ở đây đã kế thừa, kết tinh từ nhiều loại nón lá, từ cung đình đến dân gian, từ miền Bắc đến miền Nam để tạo ra sản phẩm mang đặc trưng rất riêng của vùng đất này.

Dù được xem là sản phẩm du lịch đặc sắc, thế nhưng thực tế, nghề làm nón lá tại Huế lại đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, nhu cầu sử dụng và thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi theo thời gian, nón lá cũng dần được thay thế bằng các sản phẩm mũ nón thời trang và hợp với xu thế của thời đại.

Mặt khác, nghề làm nón đem lại thu nhập thấp và không ổn định, do vậy những người trẻ không còn mặn mà để theo nghề, hầu như chỉ còn những người đứng tuổi vì cố gắng giữ gìn nghề truyền thống của cha ông để lại mà tiếp tục theo đuổi.

Những năm gần đây du lịch làng nghề Huế đang dần được khôi phục và phát triển, trong đó có các làng nghề làm nón lá. Đây là những địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Sắp tới Sở Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ triển khai đề án “Phát triển du lịch nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2022-2030”, trong đó có làng nghề nón lá nhằm định hướng hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề làm nón của địa phương.

Đình Lâm (TH)