Trường Đại học TDTT Bắc Ninh bảo vệ thành công đề tài KH&CN cấp Quốc gia Mã số CTDT.23.17/16-20

Sáng ngày 26/8/2020, tại Ủy ban dân tộc, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã bảo vệ thành công đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia: "Nghiên cứu giải pháp, chính sách phát triển thể lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đến năm 2030, mã số: CTDT.23.17/16-20.

PGS.TS. Vũ Chung Thủy, chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài

Ban chủ nhiệm đề tài gồm: Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Vũ Chung Thủy. Các thành viên tham gia: PGS.TS. Đặng Văn Dũng (Thư ký đề tài); GS.TS. Nguyễn Đại Dương; GS.TS. Nguyễn Chí Bền; GS.TS. Lê Quý Phượng; PGS.TS. Lê Đức Chương; PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt; PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc; PGS.TS. Lê Danh Tuyên và PGS.TS. Trần Trung.

PGS.TS. Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia mã số CTDT.23.17/16-20

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia mã số CTDT.23.17/16-20 gồm: PGS.TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng; TS. Hoàng Xuân Lương, Nguyên Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó chủ tịch hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề, Vụ Trưởng Vụ GDTC, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Phản biện; PGS.TS. Đặng Thị Hồng Nhung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, Ủy viên Phản biện; TS. Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng, Tổng cục TDTT, Uỷ viên; ThS. Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Uỷ ban Dân tộc, Ủy viên; PGS.TS Phạm Đông Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Uỷ viên; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Thí nghiệm TDTT, Viện Khoa học TDTT, Tổng cục TDTT, Uỷ viên; bà Bế Thị Hồng Vân, Phó vụ Trưởng Vụ Chính sách, Uỷ ban Dân tộc, Uỷ viên.

Đề tài được tiến hành khảo sát tại 14 tỉnh, với cỡ mẫu nghiên cứu là 7000 người được phân bổ theo các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc (Lai Châu; Hà Giang; Sơn La; Cao Bằng; Lào Cai; Thái Nguyên); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (Nghệ An; Quảng Bình; Quảng Ngãi; Ninh Thuận; Thừa Thiên Huế); Tây Nguyên (Kon Tum; Gia Lai); Đồng bằng sông Cửu Long (Sóc Trăng).

PGS.TS. Đặng Thị Hồng Nhung nhận xét kết quả nghiên cứu đề tài

Quá trình nghiên cứu đã xác lập dược cơ sở khoa học nghiên cứu về thể lực và khung lý thuyết đánh giá kết quả, tác động giải pháp, chính sách phát triển thể lực của các DTTS. Đây là những tiền đề quan trọng cho việc đánh giá tác động các chính sách đến đến phát triển thể lực của người DTTS. Đồng thời, qua nghiên cứu kinh nghiệm chính sách phát triển thể lực cho người dân tộc thiểu số của một số quốc gia trên thế giới, đề tài đã rút ra được 8 bài học áp dụng cho Việt Nam, đó là: 1) Hình thành chiến lược chính sách dân tộc, trong đó đặc biệt ưu tiên tăng cường các chính sách đặc thù cho nhóm dân tộc thiểu số ít người, cũng như các khu vực, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; 2) Tăng cường các chính sách bảo vệ và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; 3)Tăng cường các chính sách nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về sức khỏe và thể lực thông qua các yếu tố giáo dục và văn hóa; 4) Tăng cường đầu tư phát triển các dịch vụ xã hội, hạ tầng cơ sở, cũng như cơ sở vật chất; 5) Tăng cường đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội; 6) Phát triển song song các mô hình khám chữa bệnh truyền thống với hiện đại, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế và nhân viên y tế công cộng để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; 7) Tăng cường các chính sách TDTT cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phát triển TDTT quần chúng thông qua việc duy trì và bảo tồn các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian khác nhau; 8) Thiết kế, xây dựng tổ hợp các tiêu chuẩn rèn luyện thể lực cho mọi người theo từng nhóm tuổi. Trong đó, có tổ hợp những môn thể thao hiện đại và dân tộc.

 Qua kết các số liệu điều tra, đề tài đã đánh giá được thực trạng thể lực của người DTTS còn tồn tại những hạn chế, yếu kém cần tháo gỡ kịp thời (tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, các chỉ số hình thái hạn chế, các tố chất thể lực và chức năng thấp hơn so với người bình thường ở thời điểm 2001 và 2003...), đồng thời, cũng xác định các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển thể lực của DTTS gồm: 1) Điều kiện tự nhiên, địa bàn cư trú sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối, ảnh hưởng lớn đến phát triển thể lực các DTTS; 2) Trình độ phát triển và đời sống kinh tế - xã hội các DTTS là rào cản lớn đang đặt ra trong phát triển thể lực các DTTS; 3) Các vấn đề xã hội ở vùng DTTS đã và đang tác động rất lớn đến thế hệ hiện tại và cả thế hệ tương lai của các DTTS, nhưng khó chấm dứt trong thời gian tới; 4) Đầu tư phát triển của nhà nước, cộng đồng xã hội đối với vùng DTTS&MN và đồng bào các DTTS gia tăng nhưng khó tạo ra sự đột phá; 5) Mô hình bệnh tật vùng DTTS diễn biến phức tạp, đan xen giữa các loại hình; 6) Công nghiệp hóa, đô thị hóa, di cư tiếp tục là bối cảnh tình hình tác động đến phát triển thể lực DTTS; 7) Hoạt động TDTT.

 Quá trình nghiên cứu đã xem xét đánh giá các chính sách tác động đến phát triển thể lực của người DTTS từ đổi mới (1986) đến nay ở 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất – từ 1986 đến 2000; Giai đoạn thứ hai – từ 2001 đến 2010; Giai đoạn thứ ba – từ 2011 đến nay.  Trên cơ sở các yếu tố tác động đến thể lực của người DTTS, đề tài tiến hành hệ thống hóa các giải pháp, chính sách theo 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất - những giải pháp, chính sách tác động trực tiếp đến đến phát triển thể lực của người DTTS, bao gồm: 1) Chính sách y tế, chăm sóc sức khoẻ; 2) Chính sách thể dục thể thao. Nhóm thứ hai - những giải pháp, chính sách tác động gián tiếp đến đến phát triển thể lực của người DTTS, bao gồm: 1) Chính sách về giáo dục - đào tạo; 2) Chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.  Kết quả những giải pháp, chính sách theo đánh giá đã đã tác động trực tiếp, toàn diện đến quá trình phát triển thể lực người DTTS. Cùng với những tác động tích  cực, góp phần phát triển thể lực, tầm vóc của người DTTS, còn tồn tại những hạn chế của các giải pháp, chính sách cũng gây ra những ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển thể lực, tầm vóc của người DTTS. Vì vậy, để người dân tộc thiểu số phát triển thể lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp phù hợp, đồng bộ với thời gian đủ dài, nguồn lực đủ lớn để tháo gỡ từng bước những khó khăn bất cập.

 Dựa trên những những quan điểm về xây dựng giải pháp, chính sách phát triển thể lực cho người DTTS đến năm 2030, đề tài đã đề xuất được 6 giải pháp và 2 nhóm chính sách phát triển thể lực, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực các DTTS đến năm 2030. Các giải pháp gồm: 1) Giải pháp tuyên truyền nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức về phát triển thể lực cho các DTTS; 2) Giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu và tiến hành theo dõi, giám sát và đánh giá thể lực của đồng bào các DTTS; 3) Giải pháp phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện và môi trường sống cho các DTTS; 4) Giải pháp tăng cường dinh dưỡng cho các DTTS; 5) Giải pháp chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng để phát triển thể lực cho các DTTS; 6) Giải pháp phát triển TDTT để tăng cường thể lực cho đồng bào các DTTS; 7) Giải pháp huy động nguồn lực phục vụ phát triển thể lực các DTTS. Các chính sách gồm: 1) Nhóm chính sách khung, điều chỉnh chung liên quan đến DTTS, phát triển thể lực các DTTS;  2). Nhóm chính sách theo từng lĩnh vực liên quan đến phát triển thể lực (Chính sách về y tế, Chính sách phát triển TDTT vùng DTTS, Chính sách về dinh dưỡng cho DTTS, Chính sách về bảo đảm điều kiện sống)./.

Nguồn: http://upes1.edu.vn/