Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Trong xu thế hiện nay, công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp không nhỏ vào GDP và tạo nhiều việc làm. Nhiều nước trên thế giới, thu nhập các ngành công nghiệp văn hóa chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP của quốc gia, như: Anh đóng góp 8,6% vào GDP (2014), Trung Quốc đóng góp 3,76% vào GDP (2014), Nhật Bản chiếm 6,6% doanh thu toàn ngành công nghiệp và có 2,19 triệu người làm việc trong ngành công nghiệp văn hóa (2011).... Tuy nhiên tại Việt Nam các ngành công nghiệp văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, đóng góp của một số ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 8 tỷ USD, chiếm gần 2,6% trong GDP (2015); thị trường văn hóa mới hình thành, chưa đủ sức hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới; hệ thống văn bản pháp luật cho phát triển công nghiệp văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ và còn có sự chồng chéo giữa các Bộ, ngành trong việc quản lý các ngành công nghiệp văn hóa. Do vậy, xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một nhiệm vụ thiết yếu và cấp bách.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề cập “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”, Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngày 08 tháng 9 năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTG phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chung của Chiến lược đã nêu “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam”. Trong đó, một số mục tiêu chủ yếu: Đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD); ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 1.500 triệu USD; ngành du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong tổng số khoảng 18.000 - 19.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 3.200 triệu USD; ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch....

Đính kèm: