Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được Đảng, Nhà nước ta tiến hành đã thu được những kết quả đáng khích lệ, để phát huy những kết quả đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Qua gần 40 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, nhờ kiên trì tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trí tuệ, bản lĩnh và năng lực cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục vươn tới tầm vóc, cơ đồ và vị thế mới. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức nhằm không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền là nhiệm vụ chính trị sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Trong đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta.
Hệ thống quan điểm chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ
Từ tổng kết thực tiễn, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI đã thẳng thắn chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”(1). Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XII tiếp tục khẳng định tình trạng suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước, coi đây là “một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.
Trước yêu cầu của thực tiễn, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là lần đầu tiên công tác cán bộ được đề cập là một lĩnh vực có quyền lực và cần được kiểm soát quyền lực, cũng như lần đầu tiên các hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ được xác định rõ: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”(2).
Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ, đề cập đến ba nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, đó là: nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền và nhóm các hành vi tiêu cực khác. Trong nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, Quy định số 114-QĐ/TW đã chỉ rõ các hành vi cụ thể, như: dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình; hay hành vi để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ; rồi hành vi cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ… Đối với nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền, Quy định số 114-QĐ/TW đề cập cụ thể đến các hành vi như trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi… Bên cạnh đó, các hành vi tiêu cực khác cũng được chỉ ra, điển hình như gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự; hành vi thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý…
Cùng với Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực, Quy định số 114-QĐ/TW đã đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện hơn, sâu sắc hơn trong quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng việc bổ sung quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Nếu như việc triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thao túng trong công tác cán bộ, thì việc cụ thể hóa các hành vi vi phạm trong công tác cán bộ trong Quy định số 114-QĐ/TW giúp nhận diện rõ ràng hơn; việc ngăn chặn, phòng chống hiệu quả hơn và quá trình xử lý vi phạm sẽ thuận lợi hơn. Điều này thể hiện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết tâm rất cao trong việc đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Quan điểm chỉ đạo của Đảng về hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ
Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được Đảng ta đưa ra trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra yêu cầu: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”(3); “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”(4). Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm xây dựng, hoàn thiện một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, trong đó có công tác cán bộ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”(5). Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc “các quy định của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải thống nhất với quy định của Đảng, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành và phù hợp với tình hình thực tế”.
Trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa VIII về Chiến lược cán bộ và Kết luận số 37-KL/TW ngày 02/02/2009 của Hội nghị Trung ương lần thứ chín khóa X, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban đảng Trung ương đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng. Đó là Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quản lý (nay là Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý); Quy định số 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017 về luân chuyển cán bộ; Kết luận số 12-KL/TW ngày 22/3/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ; Kết luận số 13-KL/TW ngày 17/8/2017 về chấn chỉnh việc sửa tuổi của cán bộ, đảng viên; Kết luận số 30-KL/TW ngày 23/5/2017 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế; Kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ chín khóa X; Kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XI về xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2020; Kết luận số 32-KL/TW ngày 24/5/2017 về ủy quyền quyết định việc thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ; Kết luận số 33-KL/TW ngày 24/5/2017 về một số chủ trương đối với Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII; Kết luận số 36-KL/TW ngày 19/7/2017 về công tác luân chuyển cán bộ…
Việc xây dựng, ban hành các quy định, quy chế, cơ chế, chính sách về công tác cán bộ nêu trên đã đảm bảo thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng những yêu cầu mới mà thực tiễn đặt ra.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định, kết luận quan trọng, tích cực thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Cụ thể, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Những quy định nêu trên góp phần đề cao lòng tự trọng, hình thành văn hóa liêm chính, công minh trong công tác cán bộ. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ được xác định là một trong những trọng tâm đột phá trước yêu cầu mới hiện nay. Mục tiêu cốt lõi là xây dựng cơ chế bảo đảm công tác cán bộ thực sự dân chủ, công khai, minh bạch; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng hoặc buông lỏng quyền lực trong công tác cán bộ; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên.
Những yêu cầu của Đảng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ và cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đảng ta xác định nhiệm vụ: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”(6). Tại Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó mục tiêu quan trọng hàng đầu là phải “ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ”(7); chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị “trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp”.
Bản thân mỗi người làm công tác cán bộ phải nêu gương, nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám hy sinh vì lợi ích chung, có đạo đức cách mạng trong sáng, gương mẫu; tinh thông nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học, nói đi đôi với làm. Đặc biệt là phải hết sức công tâm, khách quan, tận tụy với công việc; không chịu bất cứ sức ép, sự tác động không lành mạnh nào, thường xuyên chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, văn hóa công sở, nhằm minh bạch công tác cán bộ và ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Đảng ta yêu cầu đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới(8).
Đảng ta kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng ta trong thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ nói riêng. Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Ngày 01/02/2024, thông báo Kết quả Phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Nội chính Trung ương nêu rõ: “Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng; 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cũng trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 09 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương…”(9). Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”; thể hiện sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân.
Quan điểm của Đảng ta nhất quán khẳng định siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý sai phạm phải kịp thời, nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, nhất là trong công tác cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức và cán bộ; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm. Xử lý trách nhiệm trong công tác cán bộ với những giải pháp mạnh mẽ, như hủy bỏ, thu hồi các quyết định về công tác cán bộ khi có kết luận vi phạm nghiêm trọng; đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân có liên quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai phạm hoặc không chỉ đạo xử lý khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý. Xem xét trách nhiệm, điều chuyển, bố trí công tác khác đối với những người làm công tác cán bộ có nhiều phản ánh, dư luận về việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực trong công tác cán bộ… Đồng thời, ghi nhận, biểu dương và khen thưởng xứng đáng đối với những trường hợp phát hiện, tố giác, ngăn chặn kịp thời hành vi lộng quyền, lạm quyền trong công tác cán bộ.
Quan điểm xuyên suốt trong các văn bản của Đảng ta cho thấy, cùng với việc không ngừng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, Đảng ta ngày càng quyết tâm cao phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “…để chốt này thực sự rắn chắc, cứng cáp cho công việc trôi chảy, suôn sẻ” đòi hỏi sự quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ./.