Hội thảo khoa học Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị

Ngày 02/11 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị - Những vấn đề đặt ra”.

Theo Liên Hợp Quốc, có đến gần 56% dân số thế giới sống tại các thành phố. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng, dự kiến dân số đô thị sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2050, ước tính gần 7/10 người sẽ sống tại các thành phố. Với 80% GDP toàn cầu được tạo ra ở các thành phố, việc đô thị hóa có thể góp phần tăng trưởng bền vững thông qua tăng năng suất và đổi mới nếu được quản lý tốt. Cùng với các trụ cột quan trọng khác, du lịch là thành phần trung tâm trong nền kinh tế của nhiều đô thị trên thế giới, mang lại nguồn thu lớn, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho dân cư đô thị. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung này.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – Phạm Văn Thủy cho biết: giai đoạn vừa qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khá nhanh, nếu như thập kỷ 90, số lượng đô thị đạt 500 đô thị, thì đến năm 2022, số lượng đô thị trong cả nước đã khoảng 900. Trong đó, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương với 2 đô thị đặc biệt. Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch, điều này đã được thể hiện qua những kết quả tích cực trong hoạt động du lịch tại các đô thị của Việt Nam giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đồng thời bộc lộ một số vấn đề đáng lưu ý, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững như: Gia tăng sức ép đến môi trường; Giao thông tại các khu, điểm du lịch tắc nghẽn, ảnh hưởng tới đời sống của người dân; Giá trị bất động sản gần các khu du lịch bị đẩy cao…Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến phát triển du lịch tại các đô thị mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, từ thực trạng phát triển du lịch tại các đô thị ở Việt Nam những năm qua cho thấy du lịch đã thực sự đem lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển đô thị, tuy nhiên, nếu không được quy hoạch và quản lý phù hợp, hoạt động phát triển du lịch tại các đô thị sẽ không chỉ có tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội mà còn đến sự phát triển bền vững của đô thị.

Cùng với hơn 20 tham luận gửi tới đóng góp ý kiến tập trung vào các nội dung chính đánh giá hiện trạng, nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam hiện nay, bài học kinh nghiệm trọng việc phát triển du lịch đô thị tại một số quốc gia trên thế giới. Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe tham luận "Một số vấn đề lý luận và phát triển du lịch bền vững tại các đô thị" của PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam; tham luận "Dự án thành phố trung tâm du lịch tại Hàn Quốc - Hiện trạng và thách thức" của TS. Ju Young Park, Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghiệp Du lịch, Viện Văn hoá, Du lịch Hàn Quốc và tham luận "Phát triển du lịch bền vững gắn với mô hình kinh tế đêm tại TP.HCM" của đại diện Sở Du lịch TP.HCM.

Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về những vấn đề có thể nói là điểm nóng như môi trường, giao thông trong quá trình phát triển du lịch tại các đô thị. Ngoài ra nhiều ý kiến thảo luận quan tâm đến việc quản lý lưu lượng khách du lịch hướng đến sự phát triển bền vững, bảo vệ di sản văn hóa cũng như các giải pháp về chính sách, quy hoạch nhằm giảm tải áp lực cho đô thị.

NLH