Nét mới trong hoạt động bảo tàng thời 4.0: Học lịch sử online tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong những năm gần đây đã tổ chức thực hiện rộng rãi các chương trình giáo dục truyền thống lịch sử cho công chúng, đặc biệt là lứa tuổi học đường và mang lại nhiều kết quả khả quan.

 Với nhiều hình thức như tham quan học tập, ghi chép, khai thác sử dụng tài liệu – hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng phục vụ cho bài học trên lớp, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử… mô hình câu lạc bộ cũng như các hoạt động trong khuổn khổ chương trình giáo dục truyền thống đang từng bước phát huy ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên, những người có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được trong vài năm qua, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã chủ động tìm hiểu, hợp tác để có thể ứng dụng công nghệ khoa học kĩ thuật hiện đại vào một số hoạt động chuyên môn. Đây là bước đổi mới đáng ghi nhận trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, bắt nhịp với xu thế chung của toàn thế giới và cũng là sự chuyển mình cần thiết để đưa các nội dung lịch sử truyền thống trong những hình thức tiếp cận tiên tiến đến với đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Từ giai đoạn năm 2019, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Công ty Microsoft Vietnam LLC (FPT) nghiên cứu, xây dựng chương trình học Lịch sử online và đưa vào thử nghiệm cho học sinh trường THCS Vinschool. Đến thời gian đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, để tiếp tục duy trì hoạt động này cũng như phòng, chống dịch bệnh, Bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức online thông qua ứng dụng Zoom – đây mà một ứng dụng khá phổ biến được sử dụng rộng rãi trong học online đối với phần lớn các học sinh, sinh viên các trường trong thời kỳ nghỉ giãn cách xã hội. Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể tham gia lớp học. Chương trình học lịch sử online được xây dựng nội dung theo phân loại từng nhóm học sinh, bắt đầu triển khai từ tháng 7/2020 với nhóm thử nghiệm cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở; các bài giảng được thiết kế hiện đại, nội dung truyền tải cô động, các hình ảnh – tư liệu trực quan sinh động, kết hợp cùng hoạt động tương tác để thu hút, tạo hứng khởi cho các em học sinh. Tuy nhiên, với hình thức học online, cũng có những hạn chế như không có sự tương tác, trải nghiệm thực tế, cảm xúc lịch sử, không gian vui chơi, môi trường chia sẻ và giao tiếp xã hội…, xây dựng nội dung cho chương trình dạy online đảm bảo sự hấp dẫn gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, khai thác tư liệu, cần đầu tư nhiều thời gian, chất xám lại thiếu cán bộ vừa am hiểu chuyên môn vừa am hiểu công nghệ, kỹ thuật. Cùng với đó là những khó khăn về nền tảng mạng internet yếu; công cụ, thiết bị công nghệ hỗ trợ; kinh phí đầu tư cho xây dựng những nội dung nghe nhìn, ứng dụng công nghệ ...

 Tính đến cuối tháng 8/2020, Bảo tàng đã tổ chức được 40 buổi cho khoảng 800 lượt học sinh (khoảng 15 - 20 học sinh/buổi). Các lớp học diễn ra liên tục vào buổi tối trong tuần, số lượng người đăng ký học lịch sử online qua ứng dụng Zoom ngày càng tăng.

Đình Lâm (Tổng hợp)