Hội thảo khoa học “Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ VHTTDL trong xu hướng CMCN lần thứ tư”

Sáng ngày, ngày 13 tháng 7 năm 2018, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Tham dự Hội thảo có hơn 70 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học ở trong và ngoài Bộ – TS. Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì Hội thảo.

Hội thảo này với mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành thích ứng với xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), từ đó đề xuất giải pháp triển khai có hiệu quả việc xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020; làm tiền đề phát triển bền vững sản phẩm đó giai đoạn tiếp theo. Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia, các nhà quản lý khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch; các chuyên gia về công nghệ thông tin… Ban Tổ chức Hội thảo đã tổng hợp Kỷ yếu Hội thảo khoa học với 40 bài tham luận theo 4 nhóm nội dung: Phần 1. Những vấn đề chung; Phần 2. Xây dựng sản phẩm chủ lực lĩnh vực văn hoá; Phần 3. Xây dựng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực du lịch; Phần 4. Xây dựng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực thể dục thể thao. 

Với yêu cầu của Hội thảo là Căn cứ định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020 (đã được Bộ trưởng phê duyệt) đề xuất được giải pháp tổng thể và cụ thể cho từng nhóm sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trong xu hướng CMCN 4.0; Các giải pháp khả thi, có tính định hướng phù hợp với thực tiễn hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành có liên quan; có thể sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong việc triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hội thảo tập trung 03 nhóm vấn đề chính:

1. Quy trình, cách thức, thời gian thiết lập sản phẩm, thẩm định các sản phẩm chủ lực, thử nghiệm các sản phẩm, đưa sản phẩm vào hoạt động thực tiễn của ngành; các bước triển khai xây dựng sản phẩm dưới dạng đề tài nghiên cứu khoa học, dự án đầu tư khoa học, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước.
2. Lựa chọn sản phẩm chủ lực và đề xuất giải pháp để triển khai xây dựng sản phẩm đó dưới dạng đề tài NCKH, dự án đầu tư phát triển, dự án từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị; Phân định chủ thể xây dựngsản phẩm chủ lực (là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp…).
3. Giới thiệu một số sản phẩm, công nghệ là thành tựu của CMCN lần thứ tư có thể ứng dụng để xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày các tham luận theo các nhóm vấn đề nêu trên. Đây là dịp để nhà quản lý về văn hóa, thể thao và du lịch, các chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp được hiểu biết rõ hơn về nhu cầu ứng dụng công nghệ mới là thành tựu của CMCN lần thứ 4 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, các nhà quản lý cũng hiểu rõ hơn để nghiên cứu và lựa chọn công nghệ áp dụng trong ngành mình.

Hội thảo này là một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện hóa Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020. Với 06 lĩnh vực:

- Lĩnh vực Du lịch với các sản phẩm phục vụ du lịch thông minh: Du lịch thực tế ảo; Hệ thống quản lý điểm đến hỗ trợ hoạt động lữ hành, lưu trú; Thẻ du lịch đa năng; Phần mềm thuyết minh du lịch tự động.

- Lĩnh vực Thể dục thể thao với các sản phẩm: Quy trình kiểm tra, chăm sóc sức khỏe, giám định khoa học và điều trị chấn thương cho vận động viên; Quy trình tuyển chọn đào tạo vận động viên thể thao; Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu TDTT phục vụ nghiên cứu khoa học, thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao.

- Lĩnh vực Điện ảnh với các sản phẩm là tác phẩm điện ảnh sản xuất và trình chiếu theo công nghệ số.

- Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn với các sản phẩm, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại; Truyền dạy nghệ thuật truyền thống và đương đại bằng công nghệ số.

- Lĩnh vực Di sản văn hóa: Quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Hệ thống trưng bày và thuyết minh tương tác trong bảo tàng; Quy trình xử lý, bảo quản hiện vật trong bảo tàng; Cơ sở dữ liệu ngành di sản văn hóa.

- Lĩnh vực thư viện với sản phẩm thư viện số. 

Hội thảo với nội dung tương tự sẽ được diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh dự kiến vào cuối tháng 7 năm 2018./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị (Nguồn Báo Điện tử Tổ quốc):