Hội thảo khoa học "Tác động cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch"

Ngày 22/5/2018, tại phòng họp A1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề " Tác động cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CM 4.0) đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch". Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì Hội thảo

 Tham dự hội thảo có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu thuộc Bộ, cơ sở đào tạo… Hội thảo tập trung thảo luận nội dung xoay quanh tác động, nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên phạm vi toàn quốc, từ đó đề xuất giải pháp nhằm tiếp cận và thích ứng với cuộc CMCN lần thứ 4 được cho là đã và đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo cũng tập trung thảo luận chính sách phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam. Ngày 16 tháng 01 năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW đã đặt mục tiêu phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong xu thế phát triển của cuộc CMCN lần thứ 4 với nhiều thành tựu về công nghệ như internet kết nối vạn vật (IoT), kết nối dữ liệu lớn (big data), kinh tế số chia sẻ, các công nghệ không dây,… đã tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành du lịch. CMCN lần thứ tư đã làm thay đổi phương thức quản lý, cung cấp dịch vụ, quảng bá cũng như công tác quản lý các chủ thể hoạt động du lịch tại Việt Nam.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó đặt mục tiêu đến năm 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như sau: Ngành điện ảnh đạt Khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt Khoảng 125 triệu USD); Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt Khoảng 31 triệu USD; Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD; Ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 3.200 triệu USD; Ngành du lịch văn hóa chiếm 15 – 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Trong xu thế ứng dụng và phát triển thành tựu công nghệ của thế giới đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh, công nghệ in 3D, công nghệ thực tế ảo, công nghệ truyền thông băng thông rộng tốc độ cao và không bị giới hạn bởi phạm vi địa lý… các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức không hề nhỏ.

Đối với ngành thể thao, thành tựu của CMCN lần thứ thứ tư công nghệ gen, công nghệ vật liệu, nano, công nghệ mô phỏng, kết nối và chia sẻ dữ liệu lớn… đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho hoạt động thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao. Công nghệ sinh học (biological technology) được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực dinh dưỡng thể thao; phân tích gen trong tuyển chọn, đánh giá trình độ tập luyện của vận động viên thể thao, công nghệ nano (Nanotechnology) được ứng dụng trong các thiết bị kiểm tra đánh giá về mặt y sinh học (sinh lý, sinh hoá, sinh cơ) trong thể thao…

 Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì Hội thảo

Đối với lĩnh vực gia đình, cuộc CMCN lần thứ tư được dự báo có những tác động lớn đến thị trường lao động, đặc biệt là lao động giản đơn thay vào đó là thiết bị công nghệ cao ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Máy móc sẽ thay thế con người làm công việc trong gia đình, thậm chí thay được chức năng sinh lý của con người. Sự phát triển của điện thoại thông minh, IoT, khai thác và chia sẻ dữ liệu lớn bằng công nghệ truyền dẫn không dây… đã và đang tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giá trị của gia đình…

Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – TS. Từ Mạnh Lương cũng đã tóm tắt nội dung chính báo cáo “Tác động, nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch” và Chuyên đề “Chính sách phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam”. Đây là 2 nhiệm vụ Ban Kinh tế Trung ương giao Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch thực hiện và là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tổng hợp trình Bộ Chính trị trong trong thời gian tới.

TS. Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình bày báo cáo

Mặc dù việc tiếp cận thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là rất khó khăn vì các công nghệ này chủ yếu xuất phát từ các nước phát triển, có nền tảng khoa học, công nghệ rất cao. Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại trải rộng và khá trừu tượng, liên quan đến nhiều ngành nghề nên việc xác định đối tượng và giải pháp thích ứng là khó khăn. Tuy nhiên, tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học cũng đã trao đổi, kiến nghị nhiều nội dung có giá trị về thực tiễn và lý luận.

 Cuối Hội thảo, Thứ trưởng – TS. Đặng Thị Bích Liên đã đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các đầu mối: Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, Cục Bản quyền tác giả, Vụ Gia đình, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trung tâm Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ và đặc biệt là Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong thời gian ngắn đã nỗ lực để từng bước triển khai và hoàn thành đúng hạn nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để nội dung báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngắn gọn, súc tích và đúng yêu cầu, Thứ trưởng chỉ đạo các đầu mối khẩn trương hoàn thiện nội dung và gửi Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ để kịp gửi Ban Kinh tế Trung ương theo đúng kế hoạch./.

Tin:  Viết Huy, Ảnh: Đình Lâm