Đào tạo đồ họa ở Việt Nam hiện nay - Kế thừa truyền thống và xu thế phát triển

Ngày 13/12/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ "Thực trạng đào tạo đồ họa Việt Nam hiện nay - Kế thừa truyền thống và xu thế phát triển". Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Phương làm chủ nhiệm, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị chủ trì nghiên cứu.

Hội đồng nghiệm thu gồm 7 thành viên, được thành lập theo Quyết định số 447 ngày 05/12/2018, ThS. Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm làm Chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh buổi họp Hội đồng

Đề tài được thực hiện với mục tiêu: Làm rõ cơ sở lý luận về đào tạo đồ họa theo hướng kế thừa truyền thống và phù hợp xu thế phát triển; Nêu rõ và đánh giá thực trạng đào tạo đồ họa ở Việt Nam trong những năm qua trên các khía cạnh: quy  mô, chương trình, tài liệu, nhân ực, phương pháp, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách; Nghiên cứu và đánh giá xu thế sáng tác đồ họa hiện nay, sự tác động của xu thế phát triển nghệ thuật đồ họa đến đào tạo đồ họa ở Việt Nam; Đề xuất một số giải pháp đổi mới đào tạo đồ họa tạo hình theo hướng kề thừa truyền thống mỹ thuật và văn hóa dân tộc và gắn với xu thế phát triển của đồ họa và đào tạo mỹ thuật trên thế giới.

Qua báo cáo của Chủ nhiệm, sau 02 năm nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả sau: 

- Đề tài đã xác định được cơ sở lý luận của đồ họa và đào tạo đồ họa theo hướng kế thừa truyền thống và gắn với xu thế phát triển. Kề thừa truyền thống có vai trò là phương pháp, là điều kiện đảm bảo và phát huy tính dân tộc trong đào tạo đồ họa Việt Nam; Kế thừa truyền thống có vai trò lưu giữ và phát huy bản sắc, thành tựu nghệ thuật của dân tộc để tái sáng tạo các giá trị mới trong bối cảnh thời đại; Góp phần giáo dục truyền thống văn hóa và tinh thần dân tộc cho các thế hệ tương lai.

- Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, đề tài đã nêu khái quát được quá trình phát triển của đồ họa và đào tạo đồ họa ở Việt Nam và nêu bật được những thực trạng với nhiều hạn chế trong đào tạo đồ họa những năm qua. Những hạn chế đó nằm ở quy mô đào tạo quá hẹp và nhỏ; chương trình đào tạo nặng về kỹ thuật, kỹ năng, cứng nhắc trong phân chia kiến thức, rất ít chú trọng đến nội dung kế thừa truyền thống và hội nhập quốc tế; nhân lực đào tạo mỏng và chưa đáp ứng yêu cầu của đào tạo đồ họa hồ họa ngày nay; phương pháp đào tạo lạc hậu, giáo trình tài liệu rất ít, nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo chưa phổ biến và chưa được quan tâm, cơ sở vật chất còn sơ sài và thiếu đồng bộ; cơ chế chính sách chưa tạo được sức hút người có chuyên môn cao, uy tín trong các nhà giáo mỹ thuật, nghệ sỹ và nghệ nhân.

Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài

- Đề tài đã đưa ra được hệ thống các giải pháp mang tính nguyên tắc và cụ thể cho từng cấp quản lý từ Nhà nước, các Bộ đến các cơ sở đào tạo nhằm gia tăng quy mô đào tạo, khuyến khích xây dựng chương trình đào tạo đồ họa, theo hướng mở, đa dạng và linh hoạt để tạo thuận lợi cho tiếp thu tinh hoa thế giới và kế thừa truyền thống dân tộc. Các giải pháp về nhân lực, tài liệu dạy và học, phương pháp và mô hình đào tạo, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách được đưa ra đều có căn cứ thực tiễn và mang tính khả thi, phù hợp xu thế sáng tác và đào tạo nghệ thuật hiện nay.

Hai ủy viên phản biện Hội đồng: PGS.TS. Nguyễn Thu Tuấn và PGS.TS. Bùi Thị Thanh Mai nhận xét đề tài

Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả đề tài

Sau khi nghe ý kiến nhận xét của 02 phản biện, ý kiến nhận xét, đánh giá của các thành viên trong Hội đồng và phần giải trình, trao đổi của chủ nhiệm đề tài, Hội đồng đã họp riêng và thống nhất thông qua đề tài đạt loại Xuất Sắc./.

Hội đồng chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ nhiệm đề tài.