Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch

Ngày 9-8, tại TP Hội An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) phối hợp tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch

Đến dự, có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên TƯ Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng VHTT và DL Nguyễn Ngọc Thiện...; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đại diện các doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ VHTT và DL đã báo cáo thực trạng và giải pháp phát triển du lịch Việt Nam. Thời gian qua, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng cao về lượng khách du lịch, tổng nguồn thu và cơ sở vật chất kỹ thuật. Giai đoạn 2010-2015, lượng khách quốc tế tăng hơn 1,57 lần so với giai đoạn 2006-2010. Riêng năm 2015, ngành du lịch đã phục vụ hơn 7,94 triệu lượt du khách quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa; doanh thu du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp 6,6% GDP; tổng đóng góp trực tiếp, gián tiếp và lan tỏa đạt 13,9% GDP. Giá trị xuất khẩu du lịch đạt 8,5 tỷ USD, chiếm khoảng 4,91% tổng giá trị xuất khẩu.

Năm 2015, ngành du lịch đã tạo 750 nghìn việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan du lịch. Riêng trong bảy tháng năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015; phục vụ hơn 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Hiện cả nước có 1.555 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1,7 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trung bình 11%/năm; tổng cơ sở lưu trú hơn 20.100 cơ sở, với 400 nghìn buồng, tăng 1,5 lần so với năm 2010.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa thật hiệu quả; nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về du lịch chưa đồng bộ; quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan du lịch còn nhiều bất cập; công tác xã hội hóa phát triển du lịch chưa mạnh; hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi cho du lịch còn thiếu và nhiều bất cập; việc phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phát triển du lịch; coi đây là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành; sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Các bộ, ngành liên quan và địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh; nâng cao chất lượng các cơ sở, dịch vụ tại địa phương, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, liên vùng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực du lịch; đồng thời yêu cầu toàn ngành phải có sự đột phá trong phát triển du lịch để đến năm 2020, tổng giá trị du lịch đóng góp từ 10 đến 12% GDP và đạt ít nhất 20 tỷ USD xuất khẩu về du lịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch phải đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế; chúng ta phải phát huy vai trò doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch; phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm để lan tỏa ra cả nước; cần đổi mới tư duy, tận dụng mọi cơ hội phát triển, nhưng phải tính toán, phát triển theo hướng bền vững; gắn phát triển du lịch với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh và an toàn cho du khách…

Thủ tướng lưu ý, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh và cung cấp thông tin du lịch cho du khách. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục đầu tư mở rộng sân bay, đường bay “mở cửa bầu trời” góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Sắp tới, Chính phủ sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch tại nước ngoài. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, chất lượng hướng dẫn viên; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng không tốt đến du khách. 

Theo Nhandan.com.vn