Nghiệm thu Đề tài khoa học cấp quốc gia "Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX"

Ngày 19/7/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài khoa học cấp quốc gia "Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX"

Đề tài có mã số ĐTQG.2014-G/04 do PGS.TS. La Khắc Hòa là Chủ nhiệm, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương là Tổ chức chủ trì đề tài. Chủ nhiệm đề tài và Tổ chức chủ trì đề tài đã hoàn thành các sản phẩm khoa học theo Hợp đồng số 04G/2014/HĐ-ĐAQG đã ký với Bộ KH&CN.

Kết quả thực hiện đề tài:

1. Về giá trị khoa học:

1.1. Sau hơn một trăm năm, tính từ đầu thế kỉ XX, Việt Nam đã tiếp nhận dường như toàn bộ các hệ thống tư tưởng văn nghệ của nhân loại, bao gồm: Mĩ học cổ điển phương Đông và phương Tây, Mĩ học Mác – Lênin, Mĩ học Mác xit phương Tây, Hình thái học văn bản nghệ thuật của Trường phái hình thức Nga, Lí thuyết thể loại văn học với nguyên tắc đối thoại của M.M. Bakhtin, Thi pháp nội dung của N.G. Pospelov, Kí hiệu học văn hóa của trường phái Tartu-Moscow đứng đầu là Y.M. Lotman, Triết học và nghệ thuật học của chủ nghĩa hiện sinh, Phân tâm học và phê bình phân tâm học, Mĩ học tiếp nhận, lí thuyết tiếp nhận văn học và tâm lí học sáng tạo nghệ thuật, Chủ nghĩa cấu trúc, Lí thuyết và thực tiễn sáng tạo của “văn học dòng ý thức” và “tiểu thuyết mới”, Triết học và nghệ thuật hậu hiện đại, Tự sự học và lí thuyết diễn ngôn, Các lí thuyết “phê bình mới”, Nữ quyền luận và phê bình nữ quyền, Phê bình hậu thực dân, Phê bình sinh thái…

1.2. Quá trình tiếp thu tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỉ XX bao giờ cũng gắn liền với những cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt. Vì thế, tiếp nhận tư tưởng văn nghệ trở thành sự lựa chọn, thể hiện tính tích cực của chủ thể hoạt động nghệ thuật và hoạt động khoa học. Cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” hồi đầu thế kỉ XX là một thí dụ tiêu biểu. Ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa – xã hội, trong việc tiếp thu tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam, các nhà hoạt động khoa học và nghệ thuật đã đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau. Bài học rút ra ở đây: trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế, phải chủ động lựa chọn các tư tưởng văn nghệ nước ngoài, Việt Nam mới có thể tự tin xây dựng một nền văn học nghệ thuật hiện đại và một nền khoa học hiện đại về văn học nghệ thuật để nhịp bước cùng nhân loại.

1.3. Tiến trình tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam hơn một thế kỉ qua bao giờ cũng diễn ra như là sự tiếp biến. Nghĩa là ở đây không có sự bắt chước, sao chép nô lệ. Sự tiếp biến này được thể hiện ở 4 bình diện sau đây: 

a) Trong hoạt động tiếp nhận, các tư tưởng văn nghệ nước ngoài bao giờ cũng được chọn lọc sao cho phù hợp với thực tiễn lịch sử văn hóa và văn học của Việt Nam. 

b) Hệ thống thuật ngữ của các hệ thống tư tưởng văn nghệ nước ngoài sau khi được dịch sang tiếng Việt phần lớn đã được Việt hóa để thuận tiện cho người sử dụng. 

c) Hơn một trăm năm qua, trên cơ sở tiếp thu tư tưởng văn nghệ nước ngoài, Việt Nam đã thực sự xây dựng được nền lí luận nghệ thuật riêng của mình. Nền lí luận nghệ thuật ấy góp phần tạo nên một nền văn học nghệ thuật và một nền khoa học về văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. 

1.4. Để khắc phục những hạn chế trong hoạt động tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam ở những năm gần, giới nghiên cứu và giới sáng tác, các cấp quản lí văn nghệ cần lưu ý ba điểm sau đây:

a. Làm thế nào để hoạt động phiên dịch các công trình lí thuyết văn nghệ nước ngoài thành một công việc có kế hoạch, có tổ chức. 

b. Công việc “Tổng thuật” các công trình mĩ học và lí luận văn nghệ của nước ngoài cũng cần biến thành hoạt động có kế hoạch và có tổ chức. 

c. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lí của Đảng và Nhà nước đối với việc tiếp thu các tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam. Một trong những nội dung của việc đổi mới phương thức quản lí của Đảng và Nhà nước chính là thừa nhận các giá trị chung của nhân loại, là có cái nhìn cởi mở với các hệ thống lí thuyết hiện đại, khuyến khích các học giả mạnh dạn ứng dụng những lí thuyết mới vào lĩnh vực nghiên cứu của mình, tạo ra bầu không khí thông thoáng cho hoạt động tiếp thu các tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

2. Về kết quả công bố, xuất bản:

Kết quả nghiên cứu đề tài đã công bố 13 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học; 01 cuốn sách đã xuất bản.

3. Về kết quả đào tạo sau đại học:

Đề tài đã góp phần đào tạo 04 Tiến sỹ và nhiều học viên cao học.

Kết quả đánh giá của Hội đồng khoa học về giá trị khoa học, xếp loại: Xuất sắc.

Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ