Ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ phải chấp nhận đầu tư mạo hiểm

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nêu ý kiến như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên trang thông tin điện tử Khoa học và phát triển.

Khi được hỏi rằng "Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân khiến chưa có sự đồng bộ về pháp luật hoạt động KH&CN là do chúng ta chưa chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu khoa học", ông Nguyễn Quân cho rằng:

- Nghiên cứu KH&CN có thể thất bại, tỷ lệ thất bại có thể cao hơn thành công, nhưng Luật Ngân sách nhà nước lại không có quy định nào liên quan đến đầu tư mạo hiểm. Tức là đã đầu tư bằng ngân sách thì phải thành công, phải đạt mục tiêu, phải có sản phẩm. Nhà khoa học muốn nghiên cứu, nhiều cái rất hay nhưng nếu nhận tiền ngân sách thì buộc phải thành công, phải có sản phẩm, như vậy dẫn tới tâm lý đối phó, hoặc là hợp thức hóa hồ sơ cho sản phẩm đã làm rồi, thành công rồi, hoặc là phải đơn giản hóa, tổng quát hóa sản phẩm cuối cùng của họ, ví dụ chỉ là bán thành phẩm, hoặc chỉ là dạng prototype, pilot để nghiệm thu đề tài đúng quy định, chứ chưa đủ điều kiện thương mại hóa thành sản phẩm quy mô thương mại để đưa vào cuộc sống.

Lẽ ra ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học cũng như là đầu tư của doanh nghiệp là phải chấp nhận đầu tư mạo hiểm. Trong Luật Công nghệ cao năm 2008 đã có quy định là nhà nước thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, sau đó có thể chuyển giao cho tư nhân, thoái vốn, nhưng đến nay chưa thực hiện. Mà khi nhà nước không thí điểm làm đầu tư mạo hiểm thì không thể biết cơ chế vận hành và tác dụng của đầu tư mạo hiểm để ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư mạo hiểm, đến giai đoạn cần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bây giờ vướng mắc lớn nhất của khởi nghiệp chính là không có quy định của pháp luật về đầu tư mạo hiểm, kể cả đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 có nói đến quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định 38/2018/NĐ-CP có một chương về quỹ đầu tư khởi nghiệp, tạo ra khung pháp lý, nhưng cho đến nay vẫn không có thông tư hướng dẫn chi tiết về quy trình thủ tục lập quỹ và cơ chế vận hành quỹ (ví dụ hồ sơ có những gì, nộp hồ sơ cho ai, bao nhiêu ngày phải cấp giấy phép, chia sẻ lợi nhuận theo nguyên tắc nào, thoái vốn ra sao, có cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào không, nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài như thế nào...).

Đình Lâm (Tổng hợp) 

Nguồn: Khoa học và Phát triển