Hội thảo khoa học “Các vấn đề Sở hữu trí tuệ trong ngành Văn hoá và Du lịch”

Sáng nay 28.09. 2019, Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Các vấn đề Sở hữu trí tuệ trong ngành Văn hoá và Du lịch”,

Đây là một trong những hoạt động của dự án cấp Nhà nước “Đào tạo về Sở hữu trí tuệ trong ngành Văn hoá và Du lịch”, thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 của Quốc gia. Dự án hướng tới việc trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức, năng lực của các tổ chức, cá nhân đang công tác và hoạt động trong ngành văn hóa và du lịch về sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó, góp phần mang lại những thay đổi tích cực và sâu rộng trong việc quản lý, thực thi và tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, giúp phát triển tài sản trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch ở Việt Nam.

Ban chủ toạ hội thảo

      Thực tế hiện nay, các tổ chức, cá nhân ngành văn hóa và du lịch, vẫn chưa nhận thức chính xác và đầy đủ về sở hữu trí tuệ cũng như các vấn đề liên quan, quan niệm về vấn đề sở hữu trí tuệ chủ yếu liên quan đến một số vấn đề về quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, các bản thu âm, bản ghi hình,… Đặc biệt, công tác tuyên truyền, đào tạo cơ bản và nâng cao về sở hữu trí tuệ như các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ,… trong ngành văn hóa và du lịch ở Việt Nam còn bỏ ngỏ, nhiều bất cập và hạn chế.

      Thông qua hội thảo “Các vấn đề sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch” nhằm góp phần nhìn nhận, trao đổi, truyền thông, nâng cao nhận thức cho các nhóm chủ thể liên quan trong ngành văn hóa và du lịch nâng cao hiệu quả công tác tạo lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này.

Diễn giả đang trình bày hội thảo

      Hội thảo có các khách mời là lãnh đạo của các tổ chức, đơn vị như Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hoá Thể thao Tp. HCM, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ tư vấn thuộc Cục Sở hữu trí tuệ; Sở khoa học công nghệ Tp. HCM, Hội Di sản Văn hoá Tp. HCM,  Bảo tàng Tp. HCM, Báo Văn hoá, Trung tâm Sở hữu trí tuệ Đại học Luật, Công ty Du lịch Hoàng Ngọc Việt, Thư viện tỉnh ĐakLak, Bảo tàng Áo dài, Trung tâm Văn hoá Quận 1, Nhà hát Bông Sen, Đoàn nghệ thuật cải lương Kiên Giang.

      Sự tham dự của các trường như: Đại học Sư phạm Tp. HCM, Đại học Luật Tp. HCM, Đại học Công nghệ Tp. HCM, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Tp. HCM, Đại học Sư phạm Tp. HCM, Bảo tàng Tp. HCM, Đại học Văn Hiến Tp. HCM, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Cao đẳng Văn hoá du lịch Sài Gòn.

      Một số bài tham luận cụ thể đã đề cập đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ liên quan đến văn hoá và du lịch cụ thể như: “Nhận diện hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực văn hoá” (do ThS. Nguyễn Trọng Luận, trường Đại học Luật Tp. HCM trình bày), “Vi phạm bản quyền và vấn đề ứng xử của chủ thể” (nhà báo Nguyễn Thị Thuỳ Trang báo Văn hoá trình bày), “Hành vi xâm phạm bản quyền tác giả và chế tài dân sự theo pháp luật Việt Nam hiện hành” (NCS.Ths. Nguyễn Phương Thảo, Trường Đại học Luật Tp. HCM trình bày); “Bảo hộ, thực thi và quản lý tài sản trí tuệ gắn với tài nguyên địa phương trong phát triển du lịch” (TS. Từ Mạnh Lương, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch); “Những khó khăn trong việc bảo hộ tri thức truyền thống và nhãn hiệu với du lịch” (do PGS.TS. Trần Văn Hải, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội); “Một số vấn đề sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” (do Lê Anh Phẵn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp. HCM trình bày).

Toàn cảnh hội thảo

       Các ý kiến đều chung nhận định là có rất nhiều nguyên nhân khác nhau được đưa ra để lý giải cho thực trạng về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch ở Việt Nam. Nhưng trong đó, hầu hết các quan điểm đều thống nhất cho rằng chủ yếu là do nhận thức của đại bộ phận người dân và những cá nhân, tổ chức tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trong các lĩnh vực này còn hạn chế, thậm chí là yếu kém, hời hợt. Vì vậy, một trong những yêu cầu mang tính thực tiễn và cấp thiết nhất hiện nay là phải đẩy mạnh việc tuyền truyền, phổ biến các quy định pháp luật đã có về sở hữu trí tuệ đến với đông đảo cán bộ và nhân dân, để làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể nâng cao được nhận thức của mọi người đối với vấn đề này, đặc biệt là trong bối cảnh thời hạn cam kết của Việt Nam với các định chế quốc tế đang ngày càng đến gần.

      Các ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự hội thảo đều chung vấn đề là cần phải xây dựng các chương trình tập huấn, đào tạo và các hoạt động thực tế nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ trong ngành văn hoá và du lịch. Bởi đây là cơ sở để làm lành mạnh hoá môi trường thực thi các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ trong ngành văn hoá và du lịch vốn rất nhạy cảm này.

Thái Thu Hoài 

Nguồn: hcmuc.edu.vn