Hành động vì Biển Việt Nam xanh - Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”

Du lịch biển Việt Nam được du khách thế giới biết đến với những bãi biển đẹp như: Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Mũi Né...
Du lịch biển Việt Nam được du khách thế giới biết đến với những bãi biển đẹp như: Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Mũi Né...với bờ biển dài trên 3.000 km và các đảo, quần đảo là kỳ quan được thiên nhiên ban tặng như Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo... Thu hút lượng khách đông đảo trong và ngoài nước mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên,do lượng khách tăng cao nên các khu du lịch biển của Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm rác thải nói chung và đặc biệt là rác thải nhựa.
Ý thức bảo vệ môi trường tại các khu du lịch biển
 Chiến dịch bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch có chủ đề “Biển Việt Nam xanh” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức đồng thời tại 5 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng năm 2018 đã tạo dấu ấn, sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường  của người dân và du khách còn hạn chế, tình trạng vứt rác, thức ăn, đồ uống bừa bãi trên các bãi tắm, gây ô nhiễm môi trường biển còn diễn ra thường xuyên. Nhiều nhà hàng, khách sạn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý, chủ yếu chỉ bằng phương pháp chôn lấp, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước.
Tình trạng rác thải từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ biển diễn ra thường xuyên tại các khu vực du lịch , ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và sức khỏe của người dân, gây mất mỹ quan, làm xấu đi hình ảnh của khu du lịch.
Rác thải nhựa đối với môi trường du lịch biển

 Rác thải nhựa có tốc độ phân hủy sinh học rất thấp và sẽ vỡ thành những hạt sinh học nhỏ, cuối cùng là các hạt vi nhựa, các hạt này có ảnh hưởng nghiêm trọng và đe dọa môi trường sinh thái. Theo nhận định của các chuyên gia, rác thải nhựa ở biển nói chung và tại các khu du lịch nói riêng không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà 70% lượng rác thải này sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển, khi phân hủy vi nhựa sẽ ảnh hưởng đền nguồn thức ăn của động vật biển và cũng ảnh hưởng tới sức khỏe con người khi sử dụng thực phẩm từ biển.

Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng tới môi trường nước biển mà các bãi cát, rừng ngập mặn, các thảm cỏ biển đã bị ảnh hưởng tới sinh cảnh làm giảm giá trị kinh tế đặc biệt là ngành Du lịch.

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”

 Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã có những hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông… Nhiều tỉnh miền Trung đã tăng cường các hoạt động thu gom rác thải nhựa, ra quân làm sạch biển, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là tại các bãi biển… Nói không với rác thải nhựa để “giải thoát” loại rác thải nguy hiểm này được xem là đòn bẩy để thu hút du khách, đưa du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở các tỉnh miền Trung.

Việc tuyên truyền tác hại của rác thải nhựa có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là du lịch biển. Để nâng cao nhận thức của người dân và du khách, hạn chế sử dụng các loại nhựa dùng một lần, túi ni lông để giữ môi trường sống đảm bảo và nhất là bãi biển sạch hơn tạo được cảnh quan cuốn hút du khách, mỗi người dân tham gia trực tiếp các hoạt động thường xuyên tại khu vực biển, du khách cũng cần nâng cao ý thức cá nhân, cộng đồng về bảo vệ môi trường./.

 Phương Loan