Hội thảo quốc tế “Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”

Từ ngày 09 đến 11/7/2018, tại khách sạn Mường Thanh (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”.

Tham dự Hội thảo, có bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; TS. Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Quảng Ninh; ông Micheal Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội; 30 đại biểu, chuyên gia quốc tế đến từ Trung tâm Di sản Thế giới, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên thế giới (IUCN), Cộng hòa Liên bang Đức, Australia, Italia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cam pu chia; lãnh đạo các Ban/Trung tâm quản lý di sản văn hóa thế giới của Việt Nam…

Hội thảo chia thành 03 tiểu ban, với nhiều tham luận, ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa, tập trung vào những nội dung: Những vấn đề về hợp tác công - tư trong quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản thế giớiDi sản văn hóa và lợi ích của cộng đồng địa phương;Khung chính sách và cơ chế tăng cường bảo tồn di sản và thúc đẩy phát triển bền vững. Tại Hội thảo, những trao đổi dựa trên thực tiễn công tác quản lý di sản tại một số di sản trên thế giới, như Ăng kor (Cam pu chia), Luang Prabang (Lào), Venice (Ý)… và tại Việt Nam, đã cung cấp những thông tin hữu ích về công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững trong thời kỳ mới, gắn với sự phát triển du lịch và lợi ích cộng đồng địa phương, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển… Vấn đề hợp tác công - tư trong quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản thế giới ở Việt Nam hiện nay và ở một số quốc gia trên thế giới, tập trung vào các tham luận: Thực tiễn hợp tác công - tư tại các khu di sản thế giới ở Việt NamHợp tác công tư trong việc cải thiện, điều hành bến bãi và dịch vụ du lịch tại vịnh Hạ LongSự cần thiết của hợp tác công tư trong cải thiện chất lượng môi trường tại Vịnh Hạ LongThực tiễn hợp tác công tư trong việc quản lý điểm đến tại Quần thể danh thắng Tràng An… Đối với vấn đề Di sản và lợi ích của cộng đồng địa phương, các tham luận và trao đổi xung quanh những vấn đề về Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản với sự tham gia của cộng đồng, chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương, thông qua nghiên cứu Hội An, Cù Lao Chàm, Huế, Luang Prabang (Lào)… Khung chính sách pháp lý hiện nay trong lĩnh vực di sản văn hóa cũng được các đại biểu rất quan tâm, tham chiếu ở Việt Nam và thế giới, qua đó để nhìn nhận được những thuận lợi, khó khăn, thách thức, đồng thời đề xuất những kiến nghị để ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới hiện nay.

 

Một cuộc thảo luận chuyên đề. Ảnh: Khắc Đoài

 

Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu; đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ cần thực hiện để bảo vệ và phát triển bền vững di sản văn hóa thế giới, cụ thể như sau:

-  Rà soát, nghiên cứu, tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và quản lý di sản thế giới;

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các Ban/Trung tâm quản lý di sản thế giới theo quy định pháp luật hiện hành; quan tâm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập;

-  Tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, Kế hoạch quản lý, Quy chế bảo vệ, đề án bảo vệ di sản thế giới;

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản thế giới; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các văn bản pháp luật về bảo vệ và quản lý di sản thế giới; ngăn chặn và xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại di sản thế giới trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội tại các di sản thế giới;

- Nghiên cứu, lựa chọn những mô hình đầu tư hiệu quả, thông qua hợp tác công - tư, từng bước triển khai chủ trương xã hội hóa phát triển du lịch, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, qua trường hợp Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, nhưng phải bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước…

- Nâng cao hiệu quả truyền thông, tăng cường quảng bá hình ảnh di sản thế giới ở Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế;

- Nâng cao thương hiệu du lịch tại các khu di sản thế giới, tạo ra sản phẩm đa dạng, đặc sắc, cho du khách nhiều sự lựa chọn và trải nghiệm; góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống và nhận thức về bảo vệ, phát huy giá trị di sản cho nhân dân địa phương;

- Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, tạo thêm nguồn lực cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản;

-  Quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả; phân bổ nguồn thu cho các hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới theo quy định của pháp luật;

- Tăng cường công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị, lập hồ sơ đề cử các di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam đề nghị UNESCO ghi danh là di sản thế giới./.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa