Xây dựng Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam: Dễ nhớ, dễ vận dụng

Ngày 31.5 tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VHTTDL đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”.

 GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo còn có GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, các thành viên Hội đồng, các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia văn hóa...

 

 

 

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị Ảnh: TRẦN HUẤN

Đang có biến động lớn về những hệ giá trị

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trình bày báo cáo “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” khẳng định, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển văn hóa, hoàn thiện con người Việt Nam. Tuy nhiên, xác định nội dung các hệ giá trị là một vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi có sự cân nhắc, xem xét từ nhiều chiều cạnh khác nhau.

Đề cập đến thực trạng và xu hướng biến đổi hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đang có những biến động. Đó là sự suy giảm, thay đổi thang bậc ở một số giá trị truyền thống; là sự mai một, phai nhạt, suy thoái một số giá trị vốn được coi trọng như tiết kiệm, cần cù, giản dị, khiêm tốn, nhẫn nhịn, chung thủy... Bên cạnh một số giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn được duy trì là sự xuất hiện, bổ sung những giá trị văn minh, hiện đại, có nguồn gốc từ phương Tây và trở nên phổ quát trên thế giới hiện nay như dân chủ, tự do, pháp quyền, bình đẳng, thịnh vượng, trách nhiệm, bản lĩnh cá nhân...

 

 

 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội thảo

Báo cáo cũng phân tích, trong các xu hướng chi phối sự biến động mạnh về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam cũng bộc lộ rõ các mâu thuẫn giữa giá trị vật chất- tinh thần, lợi ích xã hội- cá nhân, lợi ích lâu dài- trước mắt, tâm lý bao cấp- thị trường, tâm lý cào bằng - phân hóa. Đây là những xu hướng rất cần lưu ý trong việc xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Sao cho các giá trị mới không quá cao siêu, lý tưởng, giáo điều mà cần thiết thực, phù hợp, khả thi.

 

 

 GS.TS Đinh Xuân Dũng phát biểu

Đơn giản, gọn gàng, dễ nhớ

Các quan điểm, nguyên tắc, phương pháp xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế cũng được nêu rõ tại báo cáo đề dẫn. Theo đó, chỉ cần dừng lại ở các giá trị mang tính cốt lõi, trọng điểm; bám sát điều kiện thực tiễn Việt Nam; kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống. Những giá trị tốt đẹp phải củng cố, phát triển và ngược lại, những giá trị lỗi thời cần sàng lọc, gạt bỏ; tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của nhân loại, những giá trị mới của thời đại.

“Cấu trúc của các hệ giá trị cần đơn giản, gọn gàng, dễ nhớ, dễ vận dụng, nếu dài và khó hiểu thì người dân sẽ khó nhớ, khó thực hiện, khó đi vào cuộc sống. Các giá trị không nên quá trừu tượng, xa vời, cầu toàn mà phải gần gũi, thiết thực, khả thi, phù hợp thực tế...”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Các phương án đề xuất về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế cũng được nêu rõ. Trên cơ sở hai hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người để tổng hợp thành hệ giá trị chung là hệ giá trị Việt Nam. Theo đó, có hai phương án về hệ giá trị Việt Nam được đề xuất. Phương án một gồm tám giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền, yêu nước, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo. Phương án hai gồm chín giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền, hòa hợp, yêu nước, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh những vấn đề trọng tâm cần tiếp tục thảo luận, nghiên cứu: “Trước hết, cần làm rõ và thống nhất các khái niệm then chốt, trả lời câu hỏi có nên xây dựng “hệ giá trị văn hóa” và “hệ giá trị chuẩn mực con người” riêng rẽ hay gộp lại thành một hệ giá trị Việt Nam như một hệ giá trị chung cho cả quốc gia...”. Bên cạnh đó là các nội dung về quan điểm, nguyên tắc, phương pháp xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam; thực trạng biến đổi hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam và dự báo xu hướng vận động. Cuối cùng là các phương án đề xuất về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người, hệ giá trị Việt Nam.

 

 

 

GS.TS Phạm Xuân Nam

Bài toán cấp bách và lâu dài

Nhiều ý kiến tham biện đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa trao đổi, góp ý thẳng thắn tại hội thảo. Theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng (Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung ương), báo cáo đã đưa ra nhiều đề xuất mang tính gợi mở, khoa học về các giá trị văn hóa, giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Tuy nhiên vì đây là một đề tài khó, khái niệm và góc độ tiếp cận rộng nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thảo luận. GS.TS Đinh Xuân Dũng tán thành báo cáo đã đưa ra nhiều phương án đề xuất. “Phần lý luận chung phải bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là nội hàm các khái niệm cơ bản, bởi đây chính là cơ sở lý luận cho những phần sau. Bên cạnh đó, cần chú trọng nội dung về thực trạng và biến đổi các hệ giá trị, bao gồm cả sự đảo lộn và khủng hoảng đang diễn ra...”, GS.TS Đinh Xuân Dũng lưu ý.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (Bộ GD & ĐT) khẳng định, xác định các hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam là bài toán vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cấp bách bởi xã hội đang phải chứng kiến sự đảo lộn nghiêm trọng về các hệ giá trị nên cần sớm xác lập các hệ giá trị chuẩn mực, từ đó xác lập hệ thống hành vi ứng xử trong xã hội. “Bên cạnh đó cũng phải xác định đây là một bài toán lâu dài. Bởi mỗi khái niệm, góc độ tiếp cận luôn vấp phải những tranh cãi. Cho nên, cần thống nhất cách tiếp cận sao cho vừa chặt chẽ, khoa học, vừa linh hoạt mềm dẻo. Sẽ chỉ có một lời giải có thể chấp nhận được vào thời điểm này chứ không thể có ngay một đáp án hoàn hảo được...”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến phát biểu. Ông cũng cho rằng, nên chú ý bổ sung thêm các hệ giá trị về con người là yêu lao động, yêu thiên nhiên nhằm khỏa lấp những hạn chế hiện nay trong lối sống, đặc biệt của thế hệ trẻ.

 

 

 GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

GS.TS Hồ Sĩ Quý (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) lưu ý, xuất phát từ bối cảnh xã hội hiện nay, khi có nhiều giá trị thực đang âm thầm điều tiết sự chuyển động của xã hội, khi có nhiều biểu hiện đạo đức xuống cấp, sụt giảm niềm tin thì các hệ giá trị được xây dựng cần theo các tiêu chí mở và bám sát thực tiễn.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, những ý kiến tại hội thảo từ nhiều góc độ đã soi chiếu và đóng góp quan trọng cho việc hoàn thiện đề tài. Trong đó, có nhiều vấn đề đã được thẳng thắn chỉ rõ như sự khủng hoảng, đảo lộn các hệ giá trị. Đây chính là những nội dung quan trọng mà Ban soạn thảo luôn chú trọng, đặc biệt gắn với vấn đề giáo dục con người theo những giá trị định hướng chuẩn mực. Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, sẽ còn nhiều vấn đề liên quan cần tiếp tục bàn thảo trong thời gian tới.

Đánh giá cao những nội dung thảo luận, tham biện tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, thảo luận xây dựng các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người thì cuối cùng không thể không nói đến hệ giá trị văn hóa quốc gia. Bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc được tạo nên từ chính các giá trị văn hóa. “Định hướng, xây dựng các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người suy cho cùng cũng là nhằm điều chỉnh các hành vi chuẩn mực trong xã hội để hướng đến sự phát triển..”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tiếp thu để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài. Mong rằng các chuyên gia sẽ tiếp tục giúp Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ VHTTDL để đề tài xây dựng các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam được xây dựng có tính thuyết phục và khả thi cao.

Nguồn: baovanhoa.vn