Hội thảo lấy ý kiến về tiêu chí quy hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương

Sáng ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về “Nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc Tổ Hùng Vương đến năm 2035”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; bà Trần Thị Thu Đông – Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; ông Nguyễn Khắc Thủy – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ; ông Trần Việt Hùng – Phó Giám đốc sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ; nhà sử học Dương Trung Quốc; ông Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đông đảo các nhà nghiên cứu , nhà quản lý văn hóa, nhà quy hoạch, xây dựng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên. Ảnh: Gia Linh

Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tại Thông báo số 434/TB-VPCP ngày 27/12/2016 và Công văn số 10232/VPCP-KGVX ngày 26/9/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương. Chủ trương xây dựng Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 là rất cần thiết làm cơ sở định hướng cho việc quy hoạch xây dựng hệ thống tượng đài Quốc tổ Hùng Vương.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh, việc quy  hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương nhằm mục đích kiểm soát về số lượng và chất lượng các công trình tượng đài Quốc tổ Hùng Vương từ nay đến năm 2035 trong cả nước. Xác định nhiệm vụ, mục tiêu và địa điểm xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương. “Tránh tình trạng mỗi địa phương một tượng đài Quốc tổ”, Thứ trưởng cho biết.

Chính vì vậy, để lấy ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý văn hóa, các nhà quy hoạch xây dựng, các nhà khoa học về lịch sử, di sản, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo “Nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc Tổ Hùng Vương đến năm 2035”.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Gia Linh

Báo cáo về thực trạng các công trình tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương, ông Hoàng Minh Đức – Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, hiện nay, đa số tượng vua Hùng được xây dựng trong các Đền thờ và một số ít ở không gian ngoài trời công cộng gồm có 03 tượng vua Hùng tại: Công viên văn hóa Đồng Xanh thuộc thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai; tượng ngoài trời Hùng Vương và tượng trong nhà tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh. Theo khảo sát trên cả nước tượng Quốc tổ Hùng Vương hiện chưa có công trình nào được xây dựng đúng với tính chất và quy mô của công trình tượng đài. Các công trình hiện nay chỉ đang dừng lại ở dạng tượng thờ trong các đền hoặc khu tưởng niệm, là tượng trang trí phục vụ du lịch. Nếu xét tiêu chí là công trình tượng đài Hùng Vương thì hiện nay chưa có công trình nào được xây dựng ở Việt Nam.

Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng nêu ra các tiêu chí xây dựng tượng đài về nội dung, địa điểm xây dựng, tiêu chí nghệ thuật và tiêu chí kỹ thuật để các đại biểu thảo luận. Về tiêu chí địa phương, địa điểm xây dựng các địa phương có 01 trong các tiêu chí như: Đất tổ Hùng Vương; địa phương có vị trí địa lý đặc biệt, tiêu biểu, thể hiện ý chí đại đoàn kết toàn dân tộc; Địa phương có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước, giữ nước và bảo vệ chủ quyền Quốc gia…

Theo đó, tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý xung quanh các tiêu chí của quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương. Các đại biểu cũng chỉ ra vua Hùng là một nhân vật huyền sử, cách đây hàng nghìn năm, không có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh, ngay cả việc tìm hiểu để đưa ra một chứng cứ nhằm khẳng định trang phục của thời Hùng Vương cũng đã vô cùng khó khăn đối với các nhà khảo cổ, nhà sử học Viêt Nam.  Trong đó, đa phần các ý kiến tán thành việc xây dựng quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc Tổ Hùng Vương để làm căn cứ pháp lý, làm tiêu chí đánh giá. Vấn đề quan trọng là xác định rõ các tiêu chí trong quy hoạch cụ thể, là việc thực hiện phải theo lộ trình.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên trân trọng cảm ơn sự quan tâm, và đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Ban soạn thảo sẽ tập hợp các ý kiến để hoàn thiện cho bản quy hoạch. Bởi “Không đơn thuần là vấn đề quy hoạch xây dựng, việc quy hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương còn liên quan đến nhiều vấn đề rộng hơn, liên quan đến nhiều đối tượng và hàm chứa nhiều giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống”, thứ trưởng Vương Duy Biên nhận định. 

Dự kiến, vào ngày 10/5 tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại thành phố Hồ Chí Minh./.

Nguồn: Bvhttdl.gov.vn