Hội thảo Khoa học Quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”

Ngày 12/4, tại Khách sạn The Reed (thành phố Ninh Bình), tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”.


Các đại biểu dự hội thảo.
Dự Hội thảo về phía Trung ương có các đồng chí: Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học; các GS.TS Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Viện Sử học; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, cơ quan Trung ương, các Trường Đại học…
Về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTTQ tỉnh; các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, các huyện, thành phố… và đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của Trung ương và của tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ, sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt đã khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau ngàn năm Bắc thuộc. Đây cũng là thời đại bản lề, mang tính chuyển giao rõ rệt của lịch sử dân tộc, do vậy, những giá trị mà Nhà nước Đại Cồ Việt tạo dựng nên chính là cơ sở, nền tảng các triều đại phong kiến Việt Nam nói riêng, các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai vững tin xây dựng, kiến thiết đất nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, kết quả của cuộc Hội thảo khoa học lần này sẽ giúp tỉnh Ninh Bình có thêm cơ sở để đánh giá khách quan, toàn diện hơn về vị trí, vai trò, thành tựu và cả những hạn chế của Nhà nước Đại Cồ Việt; qua đó đúc rút những kinh nghiệm quý báu làm bài học cho các thế hệ hôm nay và tương lai tiếp tục sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, mở cửa hội nhập quốc tế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
 Phát biểu chào mừng và báo cáo đề dẫn tại Hội thảo khoa học quốc gia, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học khẳng định, chủ đề và nội dung của cuộc Hội thảo khoa học không hoàn toàn mới nhưng lại mang tính thực tiễn rất cao, tạo điều kiện để các nhà khoa học trao đổi ý kiến nhằm đi đến thống nhất những gì có thể thống nhất được.
Đồng thời, thông qua cuộc Hội thảo lần này, bên cạnh việc làm rõ hơn vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, các đại biểu, nhà khoa học sẽ cung cấp thêm những tư liệu mới, những cơ sở khoa học quan trọng góp phần vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản của Nhà nước Đại Cồ Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và trong cả nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa, đến từ các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các Cơ quan Văn hóa trong cả nước và tỉnh Ninh Bình… đã tham luận và thảo luận các nội dung về những vấn đề liên quan đến Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Tập trung vào các nội dung: Ý nghĩa sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và vai trò của Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử dân tộc; Đại Cồ Việt trong bối cảnh lịch sử, chính trị Đông Á thế kỷ X; Vị trí của Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam; Tổ chức bộ máy Nhà nước Đại Cồ Việt; Thân thế và sự nghiệp của “Tứ trụ triều Đinh”; Dấu ấn thời Đinh – Tiền Lê tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); Di sản Cố đô Hoa Lư – Các giá trị lịch sử và văn hóa qua các phát hiện khảo cổ học; Những việc làm đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam; Một góc nhìn về những sự kiện lịch sử thời Đinh qua truyền thuyết, sấm ký, văn chương khuyết danh cổ, thần tích và văn bia; Một số vấn đề về Phật giáo thời Đại Cồ Việt; Thư tịch Hán Nôm liên quan đến Đại Cồ Việt; Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Hoa Lư trong gia đoạn hiện nay …
Tổng kết Hội thảo, GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, cuộc Hội thảo khoa học lần này là sự tiếp tục của 2 cuộc Hội thảo khoa học trước đây: “Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước” (năm 2011) và “Họ Đinh với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam” (năm 2017) tại thành phố Ninh Bình; nhưng lần này, Hội thảo được tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút đông hơn số đại biểu và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. 
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu chào mừng và báo cáo đề dẫn tại Hội thảo khoa học. 
Với gần 20 bài tham luận và thảo luận tại Hội thảo, trong tổng số gần 60 bài đã được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo, được tập trung vào 2 phần: Những vấn đề về lịch sử của Nhà nước Đại Cồ Việt; Di sản và phát huy giá trị di sản của Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã nêu bật các nội dung phong phú về nguồn gốc, gia thế và quá trình hình thành thế lực của Đinh Bộ Lĩnh trước khi dẹp loạn 12 sứ quân; vấn đề bang giao của Nhà nước Đại Cồ Việt với các quốc gia láng giềng; về nghệ thuật quân sự trong công cuộc giữ nước thời kỳ Đại Cồ Việt; về việc phát triển công, nông, thương nghiệp thời kỳ Đại Cồ Việt; việc phát huy các giá trị văn hóa của Lễ hội Hoa Lư… và nhiều vấn đề quan trọng khác nữa đã được các đại biểu tập trung phát biểu, thảo luận, làm rõ, khẳng định sự tồn tại của Nhà nước Đại Cồ Việt trong vòng 86 năm (968-1054) với hai triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê, giữ một vai trò rất quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia lần này tuy với thời gian không dài, chưa giải quyết hết được tất cả mọi vấn đề của Nhà nước Đại Cồ Việt với những vai trò và ý nghĩa trong lịch sử phát triển Việt Nam và ngay cả đối với những vấn đề được coi như là những tồn nghi khoa học; nhưng từ đó, trong sự nỗ lực chung của tất cả mọi mọi người, Hội thảo đã đi đến sự đánh giá thống nhất cao, nâng tầm nhận thức về vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử phát triển của Việt Nam, khẳng định triều đại Nhà Đinh đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình; đòi hỏi thế hệ con cháu ngày nay và mai sau phải phát huy, bảo tồn và tôn tạo những giá trị văn hóa, lịch sử ấy, đáp ứng kịp thời mong muốn và nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong tỉnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
GS.NGND Phan Huy Lê cho rằng, với ý nghĩa và vị trí, vai trò quan trọng của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc, tỉnh Ninh Bình nên tính toán và đề xuất việc thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt thành sự kiện mang tầm Quốc lễ...
Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, với sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; các tỉnh bạn; các cơ quan, viện nghiên cứu; đặc biệt là sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; để từ đó, sau 1 ngày làm việc sôi nổi, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học và tâm huyết, Hội thảo khoa học “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam” đã hoàn thành tốt các nội dung theo chương trình đề ra.
Tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp thu, tổng hợp những ý kiến, đóng góp tại Hội thảo thành Kỷ yếu Hội thảo, phục vụ cho công tác tuyên truyền, quản lý, nghiên cứu, tham khảo của các cấp, các ngành và nhân dân trong và ngoài tỉnh. Hội thảo cũng là một trong những hoạt động quan trọng, điểm nhấn của các hoạt động Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt tại tỉnh Ninh Bình.

Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình