Tiền cổ Việt Nam: Những chuyện thú vị ít người biết

Những đồng xu tiền cổ Việt Nam mang trên mình nhiều lớp bụi thời gian cũng chính là những vật chứng quý giá về tiến trình phát triển văn hóa, lịch sử của dân tộc

Qua những đồng tiền cổ, lớp lớp hậu thế có thể biết được sự hưng thịnh hay không của một vương triều trong quá khứ.

Theo ông Đào Phi Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu - sưu tập tiền Việt Nam, tiền xu cổ được giới sưu tập tính là những đồng tiền được phát hành từ khi vua Bảo Đại thoái vị trở về trước.

Tiền cổ Việt Nam: Những chuyện thú vị ít người biết - Ảnh 1

Sưu tập tiền cổ là một thú vui khó chơi, một đam mê khá khắc nghiệt.

Những đồng tiền xu cổ chính triều quý hiếm nhất đối với giới sưu tập tiền hiện nay là những đồng tiền được phát hành trong giai đoạn Lý – Trần (hiếm hơn cả những đồng tiền nhà Đinh – Tiền Lê trước đó), ví dụ như đồng Thuận Thiên thời vua Lý Công Uẩn; đồng Kiến Trung thời vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần; một số đồng tiền thời Trần như Đại Trị, Thiệu Phong... Cũng có một số loại tiền được phát hành không quá cổ xưa song cũng được đưa vào danh mục quý hiếm, chẳng hạn đồng Hàm Nghi, được phát hành ở giữa giai đoạn nhà Nguyễn nhưng số lượng rất ít.

“Tiền cổ thời kỳ nhà Lý, nhà Trần khá hạn chế, có thể một phần vì thời đó dân mình còn ít, không phát hành nhiều tiền. Giai đoạn tiền Lê Sơ là giai đoạn đúc tiền đẹp nhất, có thể vì giai đoạn đó vương triều phát triển rực rỡ nhất. Trong đó, điểm đặc biệt nhất là tiền Cảnh Hưng trong giai đoạn Lê Trung Hưng. Thời đó, vua Lê Hiển Tông trị vì rất lâu, lâu nhất trong các đời vua Việt Nam, khoảng 46 – 47 năm, mà chỉ giữ 1 niên hiệu Cảnh Hưng, nên đã có nhiều dạng tiền Cảnh Hưng được phát hành, đa dạng về phong cách, chữ viết khác nhau thể hiện trên đồng tiền, chẳng hạn như chữ triện, chữ thảo, chữ giản thể... Người đời sau đã tìm thấy rất nhiều loại tiền Cảnh Hưng thuộc hai dòng Cảnh Hưng Thông Bảo, Cảnh Hưng Tạp Bảo (gồm Cảnh Hưng Chính Bảo, Cảnh Hưng Chí Bảo, Cảnh Hưng Thuận Bảo, Cảnh Hưng Vĩnh Bảo, Cảnh Hưng Nội Bảo, Cảnh Hưng Dụng Bảo...)”, ông Đào Phi Long cho biết.

Là người có nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và sưu tầm tiền cổ Việt Nam, ông Đào Phi Long chia sẻ một thông tin khá thú vị. Đó là ngày xưa, dân gian quan niệm cứ đồng tiền tròn lỗ vuông có chữ ở trên là tiền có thể tiêu được, gần như mệnh giá sàn sàn nhau. Kể cả khi nhà vua ra lệnh đúc tiền có niên hiệu mới thì hệ tiền cũ vẫn được lưu thông bình thường chứ không bị thu lại. Chỉ có những đồng tiền bị hỏng, gãy, mòn thì mới bị thu để đúc lại, chứ không có chuyện đổi tiền.

“Giá trị sử dụng của đồng tiền cổ tồn tại rất lâu. Tôi từng có hũ xu cổ khoảng thế kỷ 17 – 18, trong đó lẫn cả tiền từ thời Trần từ thế kỷ 13 – 14. Điều này có thể cho thấy rằng tiền cổ từ thế kỷ 13 – 14 vẫn được lưu thông song hành với đồng tiền thế kỷ 17 – 18, nói cách khác, đồng tiền qua 400 – 500 năm vẫn được người dân sử dụng để chi tiêu hàng ngày”, ông Long kể.

Cũng theo ông Long, giống như nhiều nhà sưu tầm tiền cổ khác, ông đam mê sưu tập tiền cổ một phần cũng vì muốn hiểu thêm về giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, những nét thăng trầm của lịch sử thể hiện qua đồng tiền.

“Những triều đại thịnh vượng thì đồng tiền được đúc dày dặn và đẹp hơn, thể hiện nét chữ rắn rỏi hơn. Những đồng tiền cổ được đánh giá là đẹp nhất theo quan niệm của những người sưu tập tiền cổ là tiền Hồng Đức, tiền Cảnh Thống, tiền Hồng Thuận... có độ dày 2 li. Còn bình thường tiền xu cổ chỉ dày khoảng 1 li. Cá biệt, có đồng Đoan Khánh của nhà Lê dày tới hơn 3 li, đây cũng là đồng tiền có trọng lượng nặng nhất trong hệ tiền cổ, nặng hơn 10 gam. Với loại tiền này, nếu muốn mang theo 1 quan tiền, gồm 600 đồng xu, người có tiền phải cho vào hộp để xách đi hoặc xâu vào dây đeo lên cổ hoặc gánh đi”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu - sưu tập tiền Việt Nam chia sẻ.

Tiền cổ Việt Nam: Những chuyện thú vị ít người biết - Ảnh 2

Một thông tin vui đối với những người có đam mê, sở thích sưu tập tiền cổ Việt Nam, đó là Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu - sưu tập tiền Việt Nam sẽ hình thành nhóm chuyên gia giám định tiền cổ gồm khoảng 3 – 4 người có chuyên môn cao, có uy tín, nhận thức tốt để hỗ trợ giám định tiền cổ cho người sưu tập, các bảo tàng hoặc cơ quan có yêu cầu. Trước hết sẽ giám định, đọc hộ niên hiệu tiền, giám định sơ qua xem tiền do Việt Nam đúc hay Trung Quốc đúc, đồng tiền mới đúc hay đúc từ xa xưa, rồi tiến tới sẽ giám định xem giá trị, mức độ hiếm của đồng tiền.

“Mục đích lớn nhất của chúng tôi khi thành lập Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu - sưu tập tiền Việt Nam là nghiên cứu, gìn giữ các loại tiền Việt Nam, nhất là những loại tiền cổ, tránh tình trạng mua đi bán lại một cách vô thức, gây thất thoát cổ vật của đất nước. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn tuyên truyền, quảng bá các loại tiền cổ Việt Nam ra thế giới để bạn bè quốc tế và kiều bào ở nước ngoài có thêm kiến thức, hiểu biết về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt. Câu lạc bộ chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thường xuyên đưa thông tin lên mạng Internet, tổ chức những cuộc trưng bày nhỏ, tổ chức họp mặt trực tiếp để quảng bá hình ảnh của văn hóa Việt Nam qua những đồng tiền cổ, cổ vật Việt Nam”, Chủ nhiệm Đào Phi Long nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Đào Phi Long, sưu tập tiền cổ là một thú vui khó chơi, một đam mê khá khắc nghiệt. Cái khó nhất là người chơi phải biết đọc chữ cổ in trên tiền. Trong cả hàng nghìn đồng tiền xu in chữ cổ, nếu không biết đọc chữ cổ thì không thể phân biệt được đâu là tiền thời Lê, đâu là tiền thời Trần hay thời Nguyễn...

Ngọc Mai