Khai mạc triển lãm "Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn"

Sáng 26/8, triển lãm với chủ đề “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” đã khai mạc tại Nhà Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã tới dự và cắt băng khai mạc.

 

Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ trì phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức. Đây cũng là sự kiện kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và ngày truyền thống ngành Văn hóa 28/8.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Triển lãm giới thiệu về 03 di sản tư liệu triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức Thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1992. 

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận. Ðây là những bản khắc gỗ dùng để in sách chữ Hán, chữ Nôm với nhiều loại hình khác nhau như sách lịch sử, địa chí, văn chương… Đặc biệt là những trang về lịch sử triều Nguyễn cũng như lịch sử Việt Nam. Nội dung mộc bản được giới thiệu tại triển lãm này tập trung về chủ đề Quốc hiệu đất nước. Quốc hiệu đất nước đã được phản ánh khá đầy đủ qua mộc bản, mỗi trang tài liệu là một câu chuyện lịch sử về Quốc hiệu của đất nước ta qua các thời kỳ. 

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và các đại biểu tham quan triển lãm

Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ hai của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Nội dung của Châu bản phản ánh đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chính sách đối nội, đối ngoại của triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực của xã hội đương thời. Qua triển lãm này, châu bản được giới thiệu tập trung với chủ đề về giáo dục và khoa cử triều Nguyễn. Nội dung giáo dục và khoa cử thời Nguyễn tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy hành chính nhà nước. Các văn bản châu bản liên quan đến chủ đề này đã phản ánh khá sinh động về nhiều vấn đề trong chính sách giáo dục, đào tạo, tuyển cử của triều Nguyễn trong đào tạo và sử dụng nhân tài. 

Giới thiệu các hiện vật được trưng bày tại triển lãm

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thứ ba của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Tại triển lãm, những bài thơ bằng chữ Hán chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế tập trung ở nhiều đề tài khác nhau nhưng nổi bật hơn cả đó là tinh thần dân tộc qua việc khẳng định về những truyền thống văn hiến tốt đẹp cũng như niềm tự hào về giang sơn gấm vóc.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, triển lãm “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” được khái quát qua hơn 70 tài liệu hình ảnh về mộc bản, châu bản, thơ trên triến trúc cung đình Huế cùng 16 phiên bản mộc bản. Ông Hải hy vọng triển lãm sẽ đem đến cho công chúng thưởng lãm và giới nghiên cứu những trải nghiệm thú vị qua các di sản tư liệu triều Nguyễn./.


Nguyên Hà (ảnh: Gia Linh)