Xây dựng khung chiến lược truyền thông ngành VHTTDL: Giao diện của văn hóa và con người Việt Nam

Ngày 08/12/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức tọa đàm “Xây dựng khung chiến lược truyền thông ngành VHTTDL giai đoạn 2017- 2020” tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Khánh Hải.

Tham gia tọa đàm còn có lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ; các chuyên gia truyền thông và đại diện nhiều đơn vị báo chí trong và ngoài ngành.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì Tọa đàm

Những “cơn bão” từ truyền thông mới

“Không thể phủ nhận sự chi phối và khả năng thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển xã hội của truyền thông”, nhiều ý kiến nhận định. Khẳng định những tác động thiết thực khi truyền thông luôn đồng hành cùng các hoạt động của ngành VHTTDL, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số là một yếu tố mang tính thời đại mà việc xây dựng khung chiến lược truyền thông của ngành trong giai đoạn mới không thể bỏ qua.

Thực tế đó cũng đặt ra bài toán phải chủ động, sáng tạo, liên tục đổi mới trong cách thức truyền thông. Đối với đặc thù hoạt động của ngành VHTTDL, tận dụng và phát huy sức mạnh của các loại hình truyền thông mới được xác định vừa là lợi thế, vừa là thách thức. Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Trùng Khánh, bối cảnh mới không cho phép hoạt động truyền thông về văn hóa đối ngoại chỉ “bằng lòng” với cách làm truyền thống. Xây dựng trang web, lập facebook… để tăng cường tính tương tác, quảng bá thông tin các sự kiện văn hóa đối ngoại của ngành là một trong những giải pháp cần phải có.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cũng cho rằng, trong hàng loạt giải pháp khiến cho hoạt động của ngành thư viện giảm bớt sự “lặng lẽ” thì Facebook, mạng xã hội là một kênh “cứu cánh”. “Điều này cho thấy tham gia hoạt động truyền thông hiện nay không chỉ có báo chí chính thống mà những loại hình truyền thông mới, mạng xã hội cũng rất quan trọng. Đây là một gợi mở cần thiết cho việc xây dựng khung chiến lược truyền thông của ngành trong giai đoạn tới”, bà Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định.

Đưa ra con số 60% du khách lựa chọn thông tin du lịch thông qua mạng xã hội, Internet, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đặc biệt nhấn mạnh vai trò của truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội đối với công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Khi mỗi một du khách đều có khả năng trở thành những “đại sứ” quảng bá cho từng điểm đến, “đường biên” của hoạt động truyền thông, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới không còn dừng lại ở những phương thức truyền thống, một trong những kênh hiệu quả chính là các cách truyền thông kiểu mới.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), với những ưu thế vốn có, truyền thông đại chúng có thể gián tiếp thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội. Những “hiệu ứng nghịch” của truyền thông đã và đang tạo nên nhiều cơn bão có sức tác động vô cùng lớn. Con người trong xã hội hiện đại đã và đang bị truyền thông và truyền thông mạng can thiệp dữ dội; thậm chí chi phối đến từng phút, từng giờ, mất đi tính chủ động của bản thân, nhiễu loạn thông tin, sống thật trong một thế giới ảo.

“Những tác động tiêu cực của truyền thông đại chúng đến văn hóa, con người đã và đang khiến cho các cơ quan quản lý nhà nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chiến lược truyền thông đại chúng trên cả nước nói chung và một khung chiến lược truyền thông riêng của ngành VHTTDL nói riêng vì vậy rất cần thiết, một mặt phát huy tính tích cực của truyền thông đại chúng trong phát triển văn hóa và con người, mặt khác để hạn chế những “hiệu ứng nghịch” của truyền thông...”, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.

Truyền thông phải chủ động và linh hoạt

Khẳng định những ưu thế của các phương tiện truyền thông mới, ông Nguyễn Xuân Hồng, Tổng thư ký tòa soạn Báo Điện tử Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông mới đang bùng nổ và cạnh tranh gay gắt, hơn ai hết, chính các cơ quan quản lý nhà nước, những đơn vị có nhu cầu truyền thông phải chủ động cung cấp thông tin mới có thể mang lại hiệu quả. “Đối với các lĩnh vực quản lý của ngành VHTTDL, nếu không chủ động phát huy sức mạnh của truyền thông , trong đó có những loại hình truyền thông mới thì hiệu quả thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của ngành cũng sẽ bị yếu đi, và trở nên mờ nhạt. Ví dụ, Việt Nam vừa có thêm một di sản được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ Mẫu, nếu truyền thông của ngành không chủ động cung cấp thông tin thì người dân rất dễ hiểu sai và không có ý thức phát huy giá trị di sản…”, ông Nguyễn Xuân Hồng nói.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cũng băn khoăn: “Lỗi của nhiều cơ quan quản lý nhà nước là có gì thì đưa đó cho truyền thông, nhưng chính điều đó đã “làm khó” cho truyền thông bởi họ không cần đến mớ lý thuyết, truyền thông nói những điều xã hội cần và quan tâm. Vì vậy, cần có sự hài hòa giữa các cơ quan quản lý với đơn vị truyền thông…”.

“Các cơ quan quản lý đừng “né” báo chí” là ý kiến của Tổng biên tập Báo Văn Hóa Trần Đăng Khoa. Theo ông Khoa, truyền thông có hai đối tượng có quan hệ chính trước khi thông tin lan tỏa ra xã hội là người làm truyền thông và người muốn được truyền thông. Mối quan hệ này cần có sự thông suốt, đồng nhất trong quá trình truyền tải thông tin đến với bạn đọc. Nếu không chủ động trong cung cấp thông tin, chính các cơ quan quản lý sẽ khiến báo chí, truyền thông phải tự “mò” tin bằng con đường riêng của mình, hệ quả rất có thể là những cuộc khủng hoảng truyền thông. “Dù là báo giấy, báo hình, báo điện tử hay những loại hình đa phương tiện hiện đại nhất thì cũng đều cần phải có thông tin. Vì vậy, muốn đạt được mục đích của mình trong truyền thông thì các cơ quan phải chủ động cung cấp thông tin cho giới truyền thông. Thông tin càng kịp thời, chính xác thì càng đạt được sự chia sẻ, tương tác và hiểu biết cao trong cộng đồng...”, ông Trần Đăng Khoa khẳng định.

Truyền thông phải tạo được “giao diện” cho ngành

Một thực tế là truyền thông trong nhiều lĩnh vực đang có xu hướng một chiều. Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở ví dụ, trong lĩnh vực đang được xã hội quan tâm là lễ hội, thông tin trên báo chí đang có biểu hiện thiếu khách quan, chân thực. Nhiều bài báo khai thác tối đa những biểu hiện tiêu cực, trong khi trên thực tế hoạt động lễ hội có rất nhiều cách tiếp cận để khai thác, phản ánh mặt tích cực.

Cũng góc nhìn này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến nhận định, đa số các cơ quan báo chí hiện nay vẫn chú trọng nhìn vào bề nổi, quan tâm tới những vấn đề còn tồn tại để đánh giá theo hướng thiếu tích cực nhằm thu hút độc giả, câu view, kết quả là gây nên hiệu ứng xấu về hình ảnh đối với thể thao Việt Nam.

Tổng Biên tập Zing.vn Ngô Việt Anh cho rằng, Bộ VHTTDL đang thiếu một “nhạc trưởng” trong các hoạt động truyền thông. Truyền thông không thể theo cảm hứng mà cần phải trên cơ sở khoa học, với các dữ liệu, số liệu chính xác. Ông Ngô Việt Anh lưu ý, ngành VHTTDL có lợi thế là có nhiều “ngôi sao” về văn hóa, giải trí, thể thao…, họ chính là những “đại sứ” để quảng bá hoạt động của ngành. Vấn đề là ngành VHTTDL đã tận dụng như thế nào những “ngôi sao” ấy? Ví như Hoàng Xuân Vinh giúp những gì trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra ngoài thế giới?

Nhiều ý kiến đồng thuận, việc Bộ VHTTDL triển khai xây dựng khung chiến lược truyền thông là việc cần thiết, tuy nhiên cần chú ý về cách làm. PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh, việc xây dựng khung chiến lược phải đặt ra mục tiêu, phương thức thực hiện rõ ràng cho từng giai đoạn. Chiến lược truyền thông phải làm lâu dài, có kế hoạch tỉ mỉ mới hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, việc xây dựng khung chiến lược truyền thông phải dựa trên cơ sở Chiến lược phát triển của ngành VHTTDL. Ông lưu ý, truyền thông là một thiết chế kiến tạo xã hội nên không thể chỉ được xem là một công cụ tuyên truyền. Việc xây dựng khung chiến lược truyền thông vì thế không được nhầm lẫn, làm sai lệch bản chất của truyền thông. Vấn đề chính mà khung chiến lược truyền thông cần làm được là phát huy được sức mạnh mềm, tài nguyên mềm của cộng đồng trong truyền thông, phục vụ cho mục tiêu quảng bá các hoạt động của ngành.

Vấn đề nhân sự truyền thông cũng là một yếu tố quan trọng mà theo ông Vũ Đình Thường,Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, phải tìm được những nhân sự truyền thông thực sự đáp ứng được yêu cầu. Chính đội ngũ này sẽ tham mưu về truyền thông cho từng lĩnh vực hoạt động của Bộ, cũng như tham gia xử lý những khủng hoảng truyền thông khi xảy ra.

“Chiến lược truyền thông là câu chuyện không nhỏ. Muốn có được một khung chiến lược khả thi, phát huy được tối đa sức mạnh của truyền thông thì ngành VHTTDL phải có những bước đi cụ thể. Đặc biệt, phải xác định đầy đủ các yếu tố, tiêu chí để truyền thông cho ngành phải đạt được sự chuẩn mực. Bởi trước hết, truyền thông của ngành VHTTDL không chỉ là những thông tin đơn thuần mà phải qua đó, tạo dựng được gương mặt, giao diện về văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn mới…”, theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng.

Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết, đây là tọa đàm đầu tiên mang tính chất xới xáo những công việc mà Bộ VHTTDL sẽ triển khai trong thời gian tới. Những ý kiến tại đây sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ xây dựng Khung Chiến lược truyền thông, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển VHTTDL.

Theo baovanhoa.vn